Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ Full-HD hay 1920 x 1080. Đây là độ phân giải đã có mặt trên nhiều TV, màn hình máy tính, laptop và mới đây là smartphone và tablet. Nếu bạn lấy 1920 pixel chiều dài nhân với 1080 pixel chiều rộng, chúng ta sẽ có được khoảng 2 triệu điểm ảnh (2 megapixel). Tuy nhiên, có một độ phân giải mới hơn nữa, một độ phân giải có thể mở ra một kỉ nguyên kế tiếp của nội dung và hình ảnh độ nét cao, đó là 4K (hay còn gọi là Ultra-HD). Với số điểm ảnh lên đến 8 triệu, tức gấp bốn lần Full-HD, 4K hứa hẹn mang lại những trải nghiệm cao cấp hơn, sắc nét hơn. Trong bài viết bên dưới, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin liên quan đến chuẩn hình ảnh này.
Sự khác biệt giữa Ultra HD, Quad Full HD, 2160p và DCI là gì?
Tất cả đều được dùng để chỉ độ phân giải 4K, tuy nhiên chúng xuất hiện bởi vì các hãng, các công ty, nhà sản xuất nội dung có cách gọi khác nhau và định nghĩa về số pixel khác nhau một tí.
Trong số đó, Ultra HD, Quad Full-HD có nghĩa như nhau. Ultra High Definition (hoặc Ultra-HD) sẽ là cái tên mà bạn sẽ thấy rất nhiều trong thời gian tới bởi nó đã được Ủy ban Truyền thông Quốc tế (ITU) và Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng Hoa kì (CEA) chấp nhận làm tên thương mại cho 4K. Tuy nhiên, chữ 4K sẽ vẫn còn đó và thường thì nó sẽ được đi kèm với chữ Ultra-HD luôn. Ví dụ, Sony tuyên bố họ sẽ gọi các sản phẩm 4K của mình bằng cụm từ "4K Ultra High Definition" bởi hãng cho rằng nó sẽ diễn tả hết được đặc trưng của thiết bị. Nhiều công ty nghe nhìn cũng gắn mác 4K cho nhiều máy quay phim, máy ảnh, TV, máy chiếu bên cạnh chữ Ultra-HD. Đây cũng sẽ là độ phân giải tiêu chuẩn dùng trong những sản phẩm tiêu dùng. Những thứ khác chủ yếu xuất hiện trong các thiết bị điện ảnh và lĩnh vực chuyên nghiệp.
Để được dán nhãn Ultra HD, các sản phẩm phải có ít nhất một đầu vào tín hiệu hỗ trợ truyền video gốc ở độ phân giải 3840 x 2160 (8,3 megapixel), còn video độ phân giải thấp mà nâng lên 4K thì sẽ không được gọi là Ultra HD. Với các màn hình hoặc máy chiếu, thiết bị phải có từ 8 triệu pixel hiệu dụng trở lên với chiều ngang ít nhất là 3840 pixel, chiều dọc tối thiểu phải là 2160 pixel. CEA cho rằng nhờ có thuật ngữ cũng như các tiêu chuẩn mới mà người tiêu dùng sẽ dễ dàng xác định được sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu của mình trong quá trình chọn mua máy.
Bảng tóm tắt một số độ phân giải 4K đang được dùng trên thị trường
Lợi ích của độ phân giải 4K?
Ừ thì 4K có độ phân giải cao đấy, khủng đấy, nhưng mà lợi ích của nó là gì? Trước hết, hình ảnh sẽ sắc nét và rõ ràng hơn, các pixel trên màn hình sẽ nhỏ lại và chúng ta sẽ được hiệu ứng tương tự như trên các điện thoại Full-HD hoặc "Retina" hiện nay. Chữ và chi tiết ảnh sẽ được hiển thị tốt hơn, trải nghiệm xem thích thú hơn. Điều này quan trọng bởi vì hiện nay các TV càng ngày càng lớn hơn, chúng ta thậm chí đã có những chiếc TV gia đình với đường chéo màn hình lên đến 84" hay 85".
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng khả năng nhận biết các điểm ảnh của mắt người còn phụ thuộc nhiều vào khoảng cách đến màn hình. Mời các bạn xem qua sơ đồ bên dưới, trục tung là khoảng cách xem, trục hoành là kích cỡ màn hình. Các bạn có thể thấy rằng 4K chỉ thật sự có lợi ở vùng màu xanh lá cây, tức là chúng ta sẽ cần những chiếc TV lớn 50"-140" và khoảng cách xem từ 1,5m đến xấp xỉ 5m. Mảng màu xanh càng lớn thì lơi ích càng nhiều. Chỉ khi nào đạt được yêu cầu này thì trải nghiệm 4K của chúng ta mới thật sự tốt, còn nếu không (rơi vào các vùng màu còn lại trong biểu đồ) thì bạn sẽ chỉ thưởng thức được chất lượng của các màn hình 720p hay 1080p. Lúc đó việc trang bị một màn hình 4K trở nên rất phí phạm.
Ngoài ra, nội dung 3D cũng được hưởng lợi rất nhiều khi sử dụng độ phân giải 4K. Hiện tại, những TV 3D hay máy chiếu sử dụng kính phân cực thụ động sẽ cắt hình ảnh Full-HD ra làm hai tương ứng với hai mắt của chúng ta để có thể tạo hiệu ứng nổi. Chính vì thế, chúng ta chỉ nhận được hình ảnh với độ phân giải 960 x 540 (một nửa mỗi chiều của 1920 x 1080) mà thôi, và tất nhiên là ảnh sẽ không thể đẹp như lúc xem 2D rồi. Còn khi áp dụng 4K, hình ảnh 3D xem qua kính thụ động sẽ được chia thành hai ảnh Full-HD 1080p cho mỗi mắt (tức một nửa 4K), tuyệt vời hơn là điều đương nhiên rồi.
Đối với các nhà sản xuất thiết bị, những màn hình 4K thì sẽ dễ sản xuất hơn là áp dụng một công nghệ mới hoàn toàn như OLED, trong khi họ vẫn có thể tiếp thị được nó ra thị trường như một chuẩn nội dung mới hơn, xịn hơn. Như các bạn đã thấy, con số 4K cao hơn những con số khác, và do đó nó dễ dàng được người tiêu dùng cho là "tốt hơn". Chắc chắn rằng khi hỏi độ phân giải 3840 x 2160 với 1920 x 1080 cái nào tốt hơn, nhiều người sẽ trả lời ngay rằng 4K tốt vì nó có nhiều điểm ảnh hơn. Nhân viên bán hàng chắc chắn cũng sẽ tận dụng điểm này để giới thiệu sản phẩm đến bạn. Tuy nhiên, lại một lần nữa, 4K tốt hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vấn đề khoảng cách mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Hiện nay cũng có những người tiêu dùng phổ thông nói rằng "Tôi chẳng biết Full-HD là gì, nhưng mà tôi muốn có nó". Điều tương tự nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra với 4K Ultra HD.
TV 4K to tới cỡ nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, những chiếc Ultra HD TV trên thị trường toàn là những mẫu lớn, chẳng hạn như chiếc Sony 84X9000 84", LG 84LM960V 84", Toshiba 84L9300 cũng 84". Sharp có ICC Purios và Aquos Ultra HD, Samsung thì có TV Ultra HD S9 85" với thiết kế Timeless Gallery độc đáo. Ngoài ra, 4K cũng có mặt trên nhiều TV khác với kích cỡ nhỏ hơn, ví dụ như Sony XBR-55X900A (55") và XBR-65X900A (65"), Toshiba 4K 65" và 58", Sharp và Sony cũng có những mẫu OLED 4K nhưng chưa rõ bao giờ thì chúng có mặt trên thị trường. Dự đoán rằng trong năm nay và năm sau, càng ngày sẽ có càng nhiều màn hình kích thước vừa (tầm 40" đến 65") với tấm nền Ultra HD được công bố. Xuống nhỏ hơn một chút thì ta có màn hình chuyên nghiệp 4K 32" của Sharp sản xuất bằng tấm nền IGZO.
TV 4K 84" của LG, đã bán ở Việt Nam với giá 300 triệu và bạn đã có thể mua nếu muốn
Mẫu TV 4K Sony XBR-65X900A với màn hình 65" và thiết kế độc đáo
TV 4K OLED 56" của Panasonic
Giá của những mẫu TV kể trên hiện nay vẫn còn khá cao, thường từ 3000$ cho đến vài chục nghìn đô, vẫn còn nằm ngoài tầm với của nhiều người trong số chúng ta. Tuy nhiên, thứ gì mới ra thì cũng mắc cả, tương tự như tình trạng của TV Full-HD khi mới ra mắt. Một khi 4K đã trở nên phổ biến hơn, giá chắc chắn sẽ xuống rất nhanh và lúc đó mọi người sẽ xem 4K là chuyện bình thường.
Thế có máy chiếu Ultra HD không?
Câu trả lời là có. Thực chất sản phẩm 4K đầu tiên dành cho thị trường tiêu dùng đó chính là mẫu projector Sony VPL-VW1000ES được ra mắt hồi năm 2012. Những công nghệ dùng trong chiếc máy chiếu này ban đầu vốn được thiết kế để dùng trong những máy chiếu kĩ thuật số của Sony dùng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, VPL-VW1000ES dùng chuẩn 4K DCI nên độ phân giải của nó là 4096 x 2160, khác một chút so với 4K Ultra-HD mà chúng ta hay thấy trên các TV.
Ngoài Sony ra, chúng ta còn có một loạt máy chiếu của JVC cũng được cho là có thể hiển thị hình ảnh ở độ phân giải 4K. Các model đó bao gồm DLA-X95R, DLA-X75R và DLA-X55R. Tuy nhiên, những thiết bị này thực chất chỉ trình chiếu hình ảnh ở độ phân giải Full-HD 1080p, sau đó sử dụng công nghệ làm lệch pixel để tăng độ phân giải cho hình ảnh. Trong khi đó, mẫu máy của Sony tự bản thân nó có thể trình chiếu hình ảnh với độ phân giải gốc lên đến 8,8 triệu điểm ảnh. Như vậy, 4K của Sony mới là Ultra-HD đúng nghĩa, còn của JVC chỉ là Full-HD được nâng (upscale) lên 4K mà thôi. Tất nhiên, theo lý thuyết, "hàng gốc" thì lúc nào cũng ngon hơn hàng "phóng lớn" rồi.